Tin tức

LAO ĐỘNG XUẤT KHẨU BỎ TRỐN BỊ PHẠT ĐẾN 100 TRIỆU ĐỒNG

Theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH) và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng.

Cụ thể, phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn Hợp đồng lao động, hết hạn cư trú (1); bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng (2); sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng (3); lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định (4).

Ngoài phạt tiền, người lao động vi phạm còn bị buộc phải về nước; cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2 năm hoặc 5 năm...

Phạt nặng hành vi sử dụng tiền ký quỹ không đúng quy định

Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt hành vi vi phạm quy định về thu, nộp quản lý, sử dụng tiền môi giới, tiền ký quỹ, tiền dịch vụ và các khoản tiền thu của người lao động.

Cụ thể, đối với một trong các hành vi: Thu, quản lý, sử dụng, hoàn trả tiền môi giới không đúng quy định; thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định; không hoàn trả hoặc hoàn trả không đầy đủ cho người lao động phần tiền dịch vụ theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong trường hợp người lao động đã nộp tiền dịch vụ cho cả thời gian làm việc theo hợp đồng mà phải về nước trước thời hạn không do lỗi của người lao động;... thì sẽ bị phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng.

Phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không hoàn trả các khoản chi phí mà người lao động đã nộp cho doanh nghiệp dịch vụ do không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thu, quản lý, sử dụng tiền ký quỹ của người lao động không quy định; không nộp bổ sung đủ, đúng hạn số tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ theo quy định.

(Chinhphu.vn)