Tin tức

Lao động “chui” phá giấc mơ thoát nghèo

 

http://static.laodong.com.vn/Uploaded/trinhvantam/2017_04_01/trang1-73a_RBBI.jpg?width=440

Người lao động học ngoại ngữ trước khi đi xuất khẩu lao động. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Đi xuất khẩu lao động được cho là giấc mơ thoát nghèo của nhiều lao động các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... Thế nhưng, lượng lao động bỏ trốn lại chính là nguyên nhân khiến phía Hàn Quốc hạn chế lao động Việt. Công bố của Bộ LĐTBXH tạm dừng đưa lao động của 58 quận, huyện sang thị trường Hàn Quốc chính là gáo nước lạnh giội vào giấc mơ thoát nghèo...

“Điệp khúc” tạm dừng

Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) bắt đầu triển khai từ tháng 8.2004 và Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia đầu tiên được chọn để tham gia thực hiện chương trình này trên cơ sở bản thoả thuận giữa Bộ Lao động Hàn Quốc và Bộ LĐTBXH Việt Nam. Có thời điểm, Việt Nam đứng đầu chỉ tiêu phân bổ quota lao động sang Hàn Quốc, chiếm 10% tổng số chỉ tiêu. Hiện nay, Việt Nam xếp thứ 15/16 quốc gia cung ứng nhân lực cho Hàn Quốc. Phía sau sự sụt giảm đáng lo ngại này cho thấy nhiều vấn đề nan giải xuất phát từ tình trạng lao động bỏ trốn luôn ở mức báo động.

Trên thực tế, có thời điểm cao điểm như tháng 8.2012, tỉ lệ lao động Việt Nam tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng bỏ trốn ở lại làm việc bất hợp pháp lên tới gần 58% khiến nước bạn phải tạm dừng chương trình EPS. Cũng do tỉ lệ bỏ trốn của lao động Việt Nam luôn ở mức cao nên từ năm 2012 đến nay, Bộ Lao động Hàn Quốc và Bộ LĐTBXH Việt Nam chưa ký lại bản ghi nhớ (MOU) bình thường về chương trình EPS mà chỉ ký bản ghi nhớ đặc biệt với thời hạn 1 năm, lần lượt vào các ngày 31.12.2014 và 10.4.2015. Nhờ sự nỗ lực của cơ quan hữu quan hai nước, tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp giảm từ 47% cuối năm 2013 xuống còn 35% cuối năm 2015, tương đương số lao động cư trú bất hợp pháp giảm từ 18.000 người xuống còn hơn 15.000 người. Theo đó, sau 2 lần ký MOU đặc biệt, hai bộ đã ký lại MOU bình thường vào ngày 17.4.2016.

Tuy nhiên, hiện tình trạng lao động bỏ trốn sau khi hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc vẫn là vấn đề nhức nhối của ngành xuất khẩu lao động. Đáng nói là, trong số những tỉnh/thành phố có tên trong “sổ đỏ”, có nhiều địa phương sau hàng năm trời tình trạng lao động bỏ trốn chẳng những không thuyên giảm mà còn duy trì ở mức báo động, tiêu biểu nhất là Nghệ An. Trong danh sách các địa phương bị tạm dừng chương trình EPS, cả năm 2016 và 2017, tỉnh Nghệ An đều đứng đầu bảng với việc “góp mặt” tới 11 huyện, thị xã. Cụ thể: TP.Vinh, huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Thanh Chương, TX. Cửa Lò, Nam Đàn, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Tân Kỳ. Sau Nghệ An, các địa phương khác cũng là “điểm nóng” của tình trạng lao động bỏ trốn như Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Hà Nội, Nam Định,…

Dù Bộ LĐTBXH đã áp dụng nhiều biện pháp như yêu cầu ký quỹ 100 triệu đồng/lao động; tích cực tuyên truyền người lao động trước khi họ đi làm việc và phối hợp với gia đình vận động khi họ bỏ trốn,… nhưng hiệu quả thực tế khá… bấp bênh. Ông Hoàng Danh Lai - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) - thừa nhận dù huyện này đã yêu cầu chính quyền cấp xã và các phòng chức năng xuống từng hộ để vận động người nhà lao động cùng khuyên bảo lao động bỏ trốn về nước nhưng hiệu quả quá thấp. “Lao động thì trốn chui trốn lủi ở nước ngoài trong khi người nhà và chính quyền ở trong nước, vận động khó khăn vô cùng. Tôi nghĩ vận động chỉ nên xem là giải pháp phụ chứ không thể nhờ vào đó để thay đổi tình hình” - ông Lai cho hay.

Bị chấm dứt MOU bất cứ thời điểm nào

Thời điểm Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ Lao động Hàn Quốc ký MOU bình thường năm 2016, phía bạn đã đưa ra các điều kiện cụ thể, ngặt nghèo hơn về điều kiện tuyển chọn, chất lượng lao động và cam kết hạn ngạch phụ thuộc vào tình hình thực tế số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Theo đó, quy định trách nhiệm của phía Việt Nam trong việc triển khai các giải pháp giảm tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Các địa phương có từ 60 lao động bỏ trốn và chiếm 35% sẽ bị dừng tuyển chọn lao động. Nếu lao động bất hợp pháp Việt Nam nhiều, hạn ngạch tuyển lao động mới sẽ giảm, nếu lao động bất hợp pháp tăng cao, phía Hàn Quốc có thể dừng tiếp nhận lao động Việt Nam hoặc chấm dứt MOU bất cứ thời điểm nào.

Lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.

Ngày 30.3.2017, Bộ LĐTBXH công bố danh sách các địa phương bị tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2017 đối với 58 quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên và tỉ lệ chiếm 30%. Theo công văn số 1147/LĐTBXH-QLLĐNN do Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp ký ngày 28.3.2017, bộ không áp dụng lệnh tạm dừng tuyển chọn lao động ngành ngư nghiệp trong năm 2017 đối với các huyện ven biển thuộc các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển năm 2016. Cụ thể, tỉnh Hà Tĩnh gồm các huyện: Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà và huyện Kỳ Anh; tỉnh Quảng Bình gồm các huyện: Bố Trạch, thị xã Ba Đồn và TP. Đồng Hới. Ngoài ra, căn cứ thông báo của phía Hàn Quốc về số lượng và tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp vào thời điểm cuối năm 2017, bộ sẽ tiếp tục tạm dừng tuyển chọn trong năm 2018 tại các địa phương không giảm được tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp, đồng thời dỡ bỏ việc tạm dừng đối với những địa phương giảm được tỉ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Đáng nói là, tại thời điểm “hoàng kim” như năm 2008, khi Việt Nam đứng đầu chỉ tiêu phân bổ quota lao động sang Hàn Quốc, chiếm 10% tổng số chỉ tiêu (12.000/120.000), thì tại Công văn số 1142 LĐTBXH-QLLĐNN, ký ngày 27.3.2017, tổng số chỉ tiêu tuyển chọn cho chương trình EPS chỉ còn 3.600 người (ngành sản xuất, chế tạo: 1.500 người; xây dựng: 500 người; ngư nghiệp: 800 người và nông nghiệp 800 người). Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp thừa nhận hiện Việt Nam xếp hạng gần “đội sổ” trong số 16 quốc gia cung ứng lao động cho Hàn Quốc, cho dù thị trường có những nước mới tham gia từ năm 2016 như CHDCND Lào.

Cũng theo ông Diệp, vì tồn tại tình trạng có quận/huyện bị dừng tuyển chọn lao động tới 2 lần nên rất cần sự vào cuộc của chính quyền cấp tỉnh. Ngoài ra, việc yêu cầu ký quỹ 100 triệu đồng đã là mức khá cao, nếu tăng cao hơn nữa sẽ gây khó khăn cho lao động khi những người đi làm việc ở nước ngoài đều có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí hy vọng thoát nghèo. “Hàn Quốc không phải thị trường XKLĐ duy nhất của ta nhưng là thị trường tốt. Phía bạn cũng mong muốn tạo sự công bằng giữa các lao động tham gia chương trình này, không thể người đi trước vi phạm lại ảnh hưởng đến người chưa đi. Theo lộ trình ký giữa 2 bộ, định kỳ Việt Nam phải giảm tỉ lệ lao động bỏ trốn xuống bao nhiêu phần trăm. Lần trước Hàn Quốc đã hạn chế các huyện có 60 lao động bỏ trốn, chiếm 35%; lần này yêu cầu tăng lên là 60 lao động bỏ trốn và chiếm 30%. Việc tuân thủ luật pháp giữa hai nước chính là điều kiện tiên quyết để các lao động khác có cơ hội đi XKLĐ” - ông Diệp nhấn mạnh. 

Theo Laodong.com.vn