Tin tức

An Giang dành 164 tỷ đồng hỗ trợ 1.500 người đi xuất khẩu lao động

Giai đoạn 2021 -2025, UBND An Giang lên kế hoạch đưa ít nhất 1.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Để triển khai kế hoạch, UBND tỉnh dành 164 tỷ đồng hỗ trợ việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài.

        UBND tỉnh An Giang vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác đưa người dân đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, trong giai đoạn này, toàn tỉnh phấn đấu đưa ít nhất 1.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, bình quân mỗi năm đưa ít nhất 300 lao động đi lao động.

        Để thực hiện mục tiêu này, lãnh đạo tỉnh An Giang chỉ đạo các cấp, ngành trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác xuất khẩu lao động, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, lao động ở các vùng nông thôn, bộ đội xuất ngũ...

        Giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh An Giang dành 164 tỷ đồng hỗ trợ công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

        Về tài chính, UBND tỉnh An Giang dành hơn 164 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giai đoạn 2021-2025, trong đó ngân sách từ Trung ương là 58 tỷ đồng, phần còn lại thuộc ngân sách tỉnh.

        UBND tỉnh, giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp các sở, ngành, đoàn thể liên quan cùng tham gia thực hiện.

         Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, hiện nay tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ cho lao động thuộc diện hộ nghèo, khó khăn, bộ đội phục viên...

         Lao động khi đi làm việc ở nước ngoài sẽ được vay tiền với mức tối đa lên đến 100 triệu đồng, lãi suất áp dụng như hộ nghèo. Ngoài ra, còn được hỗ trợ tiền học ngoại ngữ, kiến thức cần thiết, định hướng nghề…

        Trong các chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, An Giang còn quyết tâm thực hiện đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ BHYT miễn phí.

         Được biết, trong 5 năm qua (2016-2020), toàn tỉnh An Giang có 1.886 người xuất khẩu lao động tại các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Sau thời gian làm việc, mỗi lao động trở về nước có thể tích lũy từ 500 triệu đồng trở lên.

          Qua thực tế, nhiều gia đình hộ nghèo, khó khăn trong tỉnh sau khi cho con em đi làm việc ở nước ngoài đã giúp gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả, có nguồn vốn để đầu tư, trồng trọt, chăn nuôi ổn định cuộc sống.

        Tính tới đầu năm 2021, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có: 10.232 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,90%/tổng số hộ dân; 26.655 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,94%/hộ dân; 2.452 hộ nghèo người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 8,98%/hộ dân tộc thiểu số. 

Theo Nguyễn Hành – www.dantri.com.vn