Tin tức

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam

Chiều 16/10, tại Hà Nội, Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp Eurocharm (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam) tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 18/9/2023).

Toàn cảnh Hội nghị phổ biến Nghị định 70/2023/NĐ-CP.

Toàn cảnh Hội nghị phổ biến Nghị định 70/2023/NĐ-CP.

Theo đánh giá, việc Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung nêu trên với nhiều điểm mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sử dụng lao động nước ngoài cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thời gian vừa qua.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho biết: Cục Việc làm tổ chức đối thoại thường xuyên giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước để lắng nghe các ý kiến. Có thể nói, công tác về quản lý lao động nước ngoài được Việt Nam hết sức quan tâm. Trong nghị quyết của Chính phủ về phát triển thị triển lao động cũng xác định lao động nước ngoài là bộ phận không thể tách rời trong thị trường lao động Việt Nam.

"Đối với Nghị định 70, mọi thủ tục hành chính đã được giảm bớt nhất có thể. Chúng tôi bàn rất kỹ thủ tục giảm bảo đảm được cho doanh nghiệp, nhưng không vi phạm quản lý nhà nước. Minh bạch không chỉ cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý, người lao động trong, ngoài nước..." - đồng chí Vũ Trọng Bình chia sẻ.

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng, Nghị định sửa đổi, bổ sung với nhiều điểm mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sử dụng lao động nước ngoài cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trước đây.

Nghị định 70 với nhiều điểm mới, như: Bổ sung trường hợp người lao động nước ngoài làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc, người sử dụng lao động phải báo cáo qua môi trường điện tử về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài đến làm việc.

Quy định kể từ ngày 1/1/2024, việc thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) hoặc Cổng thông tin điện tử của Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập trong thời gian ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài.

Quy định thống nhất một đầu mối là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trong việc chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài, cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài tại địa phương...

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam ảnh 1

Cục trưởng Việc làm Vũ Trọng Bình phát biểu tại hội nghị.

Theo Cục trưởng Vũ Trọng Bình, Nghị định 70 đã yêu cầu các sở đăng tuyển thông tin trên cổng minh bạch, nhà nước không can thiệp, để doanh nghiệp tự đăng tuyển. Cơ sở dữ liệu thống nhất, cố gắng để người lao động Việt Nam trên mọi miền đất nước để tham gia tuyển dụng... Đây là điều nhân văn, quyền của người lao động được quy định trong Hiến pháp.

Bên cạnh việc các thủ tục hành chính được đơn giản hóa, lần đầu tiên đưa vào quy trình cấp phép lao động nước ngoài làm việc trên nhiều địa bàn. Lần này cấp 1 giấy phép, nêu rõ địa điểm có thể làm việc bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là sự đổi mới căn bản, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan hành chính nhà nước, chịu trách nhiệm mọi việc về việc này...

Theo báo cáo của các địa phương, số lượng lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ trên 72% tập trung chủ yếu trong lĩnh vực như khoa học công nghệ, sản xuất trong các ngành điện tử, dịch vụ, giáo dục và đào tạo...

Có thể thấy, lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI ngày càng tăng: Năm 2010, lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI là 1,44 triệu người (trong đó lao động nữ chiếm 66,8%). Đến năm 2016, lao động làm việc trong các doanh nghiệp này đạt 3,78 triệu người (trong đó lao động nữ chiếm 67,9%), tăng 1,75 lần so với năm 2010. Đến năm 2022, lao động làm việc trong các doanh nghiệp này đạt 5,09 triệu người (trong đó lao động nữ chiếm 61,2%), tăng 1,35 lần so với năm 2016. Bình quân mỗi năm thu hút thêm hơn 360 nghìn lao động vào làm việc. Tỷ lệ lao động được ký hợp đồng lao động đạt 98%, trong đó từ 30 đến 35% lao động ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Bên cạnh tạo việc làm trực tiếp, khu vực FDI cũng gián tiếp tạo việc làm cho rất nhiều lao động trong các ngành công nghiệp phụ trợ hay các doanh nghiệp khác nằm trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho các doanh nghiệp FDI.

Đội ngũ công nhân lao động tại các doanh nghiệp FDI được bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, tiếp cận công nghệ tiên tiến, rèn luyện ý thức tổ chức, tác phong công nghiệp, qua đó góp phần xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh.

Nghị định 70 có nhiều điểm mới, thay đổi so với trước do vậy thời gian đầu sẽ có những “lúng túng” nên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tập trung trong việc tuyên truyền, phổ biến, chỉ đạo việc thực hiện cấp giấy phép phải “thông thoáng” và bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, góp phần triển khai thực hiện tốt chính sách tuyển, quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam để vừa hỗ trợ doanh nghiệp có đủ lao động trình độ cao ở vị trí quan trọng.

Theo số liệu của Cục Việc làm, tính đến tháng 10 năm 2023, cả nước có 132.381 lao động nước ngoài đang làm việc, trong đó:

+ Số lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 10.458 người (chiếm 7,8% trên tổng số người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam);

+ Số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động là 121.923 (chiếm 92.2%), trong đó đã cấp mới giấy phép lao động cho 89.004 người và gia hạn cho 15.362 lao động, cấp lại cho 9.753 người số còn lại 7.863 người đang hoàn thiện các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.

Nguồn: Báo Nhân Dân