Thực hiện Chỉ thị 16 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, Nghị Quyết số 73 của Chính phủ ngày 23/8/2016 về nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua việc hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề cho người lap động và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ giao Bộ Lao động- TBXH nghiên cứu xây dựng Đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài’ trong Công văn 1671/VPCP-KGVX ngày 24/2/2017 của Văn phòng Chính phủ. Cục Quản lý lao động ngoài nước là đơn vị được Bộ LĐ-TB&XH giao chủ trì triển khai xây dựng Đề án cho giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Hiện dự thảo lần 1 của Đề án đang được gửi xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan.
Đề án này được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam mỗi năm đưa hơn 100.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tuy nhiên mới chỉ có gần 50% trong đó là lao động có kỹ năng mà phần lớn là được đào tạo trình độ sơ cấp hoặc bổ túc tay nghề, chưa phải là lao động có trình độ tay nghề cao. Trong khi đó, nhu cầu về lao động có chuyên môn kỹ thuật cao của các nước tiếp nhận ngày càng tăng, nhưng nguồn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật (từ Trung cấp nghề đến Cao đẳng, Đại học) được đào tạo trong nước chưa phù hợp với yêu cầu của đối tác nước ngoài do chưa có sự tương thích về các chương trình đào tạo. Vì vậy, cần thiết phải đào tạo bổ sung cho số lao động này khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, nhằm nâng cao hơn nữa tỉ trọng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao trong tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài để phù hợp với nhu cầu thị trường nước ngoài, nâng cao hiệu quả hoạt động này.
Với mục tiêu chung là đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ra nước ngoài làm việc góp phần nâng cao vị thế của lao động Việt nam trên thị trường lao động quốc tế, thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Việt nam với các quốc gia tiếp nhận lao động thông qua những Chương trình, thoả thuận hợp tác lao động với các nước tiếp nhận và giảm áp lực nguồn cung việc làm từ trong nước, giảm tỷ lệ thất nghiệp của một bộ phận sinh viên tốt nghiệp ra trường. Đề án hướng tới tạo việc làm cho lao động có tay nghề, tốt nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chưa có việc làm, thuộc nhiều lĩnh vực kỹ thuật, dịch vụ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo đúng ngành nghề sẽ được phê duyệt trong Đề án. Cơ sở tính toán của Đề án dựa trên các dự báo về cung cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước, các Chương trình, thoả thuận hợp tác lao động đã ký và đang đàm phán với các nước tiếp nhận và định hướng chiến lược phát triển thị trường lao động ngoài nước của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Theo nội dung dự thảo của Đề án, có 3 nhóm đối tượng được thụ hưởng bao gồm: (i) Người lao động tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo ngoại ngữ, nghề và vay tín dụng ưu đãi để trang trải các chi phí đi làm việc ở nước ngoài. (ii) Các doanh nghiệp tham gia đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật sẽ được hưởng chính sách khuyến khích phát triển thị trường; (iii) Những trường nghề thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đào tạo những ngành cung cấp được tham gia đề án có thể vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư nhập các mô đun đào tạo nghề phù hợp;
Dự thảo xây dựng chương trình triển khai theo 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1 từ năm 2018 tới năm 2020: xác định các ngành nghề thí điểm đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và nhu cầu của những ngành nghề đó đối với từng quốc gia đưa lao động sang làm việc như: Nhật bản: điều dưỡng, cơ khí, xây dựng; CHLB Đức: điều dưỡng chăm sóc người già, người bệnh, kỹ sư công nghệ thông tin và cơ khí hàn; Hàn Quốc: Cơ khí, hàn, điện tử và đầu bếp. Giai đoạn này của Đề án, các cơ quan chức năng có trách nhiệm xúc tiến đàm phán ký kết các thỏa thuận hợp tác lao động, xây dựng và hoàn thiện cơ chế thực hiện bao gồm cả việc phân tích nghề, xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề đối với các nghề có trong Đề án.
Sang giai đoạn 2, từ năm 2021 - 2025: dự kiến sẽ mở rộng các nghề tiếp nhận lao động đối với thị trường ngoài nước. Để đảm bảo nguồn cung lao động trong nước, đề án đề xuất thống kê chính thức số lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật phân theo ngành nghề, lĩnh vực đào tạo trên phạm vi 10 tỉnh thí điểm có số lượng lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài để hoạch định chính sách.
Nguồn kinh phí dự kiến để thực hiện Đề án này một phần từ ngân sách nhà nước, một phần là nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), nguồn kinh phí cho phát triển thị trường thì chi từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Trong phương án này, ngân sách nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho các chính sách và cơ chế, người lao động tham gia xuất khẩu lao động sẽ được vay từ nguồn của VDB. Đồng thời, các doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và các trường nghề muốn đầu tư cơ sở vật chất khi tham gia Đề án cũng sẽ vay từ nguồn này.
Đề án dự kiến sẽ do Bộ lao động TBXH chủ trì thực hiện với sự tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ ngành liên quan. Hiện Đề án đang trong giai đoạn xin ý kiến rộng rãi của các Bộ ngành về Dự thảo lần 1 và Ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý để tiếp tục chỉnh sửa cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi trước khi trình Chính phủ./.
Nguồn Cục Quản lý lao động ngoài nước (dolab.gov.vn)