Tin tức

Chọn trường, chọn nghề: Cần xác định rõ mục tiêu

Khảo sát về định hướng ngành nghề của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmy) tại 120 trường THPT trên địa bàn thành phố năm học 2016 - 2017 cho thấy, số đông các học sinh đều mong muốn được học ở bậc đại học thuộc các khối ngành Kỹ thuật công nghệ và Kinh tế - Tài chính.
 

Dựa trên khảo sát, các chuyên gia cũng đã đưa ra nhận định và dự báo hướng nghiệp cho các em học sinh.

87% học sinh mong muốn học đại học

Theo khảo sát, năm 2016, nhu cầu học nghề của học sinh THPT đối với nhóm ngành Kỹ thuật công nghệ có tỷ lệ lựa chọn cao nhất, chiếm 24,84% tập trung vào các ngành: Cơ khí - Tự động hóa; Điện tử - Cơ điện tử; Công nghệ thông tin; Công nghệ thực phẩm; Kiến trúc - Kỹ thuật công trình xây dựng.

Và nhóm ngành Kinh tế - Tài chính có tỷ lệ học sinh lựa chọn là 14,90% chủ yếu các ngành: Marketing - Quan hệ công chúng, Tài chính - Tín dụng - Ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán.

Xu hướng các khối ngành nghề khác cũng thể hiện sự thay đổi tích cực như sau: Dịch vụ du lịch - Nhà hàng - Khách sạn chiếm 17,56%; Công nghệ thông tin 8,84%; Marketing - Quan hệ công chúng 6,82%; Quản lý điều hành 6,27%; Cơ khí - Tự động hóa 5,88%; Biên phiên dịch 3,44%; Tài chính - Tín dụng - Ngân hàng 2,89%.

t số các ngành nghề ít được các học sinh THPT quan tâm nhiều như là: Hóa chất - Hóa dược - Mỹ phẩm 0,8%; Dầu khí - Địa chất 0,17%; Dệt may - Giày da 0,75%.

Đáng chú ý, về nhu cầu trình độ, học sinh mong muốn học ở bậc đại học vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với 87%, trong khi đó bậc cao đẳng chỉ có 7% và bậc trung cấp là 6%. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học lại chiếm tới khoảng 60%, chỉ có 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học.

Yếu tố quyết định trong hướng nghiệp

Đánh giá về kết quả khảo sát, ý kiến chuyên gia cho rằng số đông giới trẻ đang chọn nghề nghiệp cho mình theo cảm tính nhiều hơn, thay vì việc xác định nghề nghiệp tương lai bằng sự phân tích, đánh giá các khía cạnh một cách nghiêm túc, đồng thời lắng nghe ý kiến hướng nghiệp của phụ huynh, thầy cô giáo hoặc các chuyên gia.

Điều này dẫn đến việc chọn ngành học không phù hợp với năng lực, sở thích của cá nhân khiến cho học sinh không có động cơ học tập rõ ràng, dù nếu có học xong thì bằng cấp cũng không có giá trị hành nghề.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Falmy nhận định: Xu hướng thị trường lao động đang phát triển theo hướng tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng. Nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng và quản lý cấp cao cho các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh. Nhiều nhân viên có trình độ, kỹ năng có thể được tuyển chọn nhằm phục vụ cho chiến lược mở rộng quy mô sản xuất và phát triển các dây chuyền công nghệ.

Trong vấn đề hướng nghiệp, ông Trần Anh Tuấn chia sẻ với các em học sinh, nhu cầu nhân lực chưa phải là yếu tố quyết định đến việc làm, mà các em phải chọn ngành mình yêu thích, đúng với năng lực thì mới tích cực học tập và rèn luyện kỹ năng để có một công việc như mình mong muốn. Khi chọn ngành học phải xác định mục tiêu, ước mơ, sở thích, đam mê của mình thì khi ấy mới dễ thành công. Các em nên chọn ngành nghề phù hợp với sở thích và năng lực bản thân vì chỉ khi chọn được ngành nghề phù hợp, các em mới có động lực để phấn đấu và trở thành người làm tốt công việc ở lĩnh vực của mình.

Về nhu cầu nhân lực, ngành Công nghệ - Kỹ thuật chiếm 35%; Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng - Pháp luật - Hành chính chiếm 30% nhưng tỷ lệ cạnh tranh nhóm ngành này rất cao do lượng sinh viên học nhóm ngành này cao; Những ngành rất cần nhu cầu nhân lực mà các em học sinh nên chú ý như: Bác sĩ thú y, Kỹ sư nông lâm nghiệp - Thủy sản, Công nghệ sinh học, Quản trị du lịch lữ hành, Quản trị nhà hàng khách sạn, Luật thương mại, Luật quốc tế, Lập trình, Công nghệ ôtô, Môi trường…

Theo Báo Giáo dục Thời đại