Doanh nghiệp FDI vì lợi nhuận nên tìm mọi cách cho thôi việc công nhân trên 35 tuổi. Việc này tạo ra nhiều tác động xấu đến đời sống xã hội.
Hệ quả đáng lo
Theo số liệu khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố mới đây, hiện nay cả nước có gần 300 khu công nghiệp và khu chế xuất, thu hút hơn 2.800.000 lao động.
Tuy nhiên các doanh nghiệp FDI đều ưu tiên lứa tuổi 15-18 hoặc có thể thấp hơn, nhưng không quá 35 tuổi.
Để không vi phạm pháp luật lao động, người sử dụng lao động thường tìm ra các lý do rất chính đáng, như doanh nghiệp không có nhu cầu, không có việc làm, chuyển địa điểm kinh doanh, thay đổi công nghệ sản xuất để chấm dứt hợp đồng với người lao động.
Thậm chí có những trường hợp công nhân đột ngột nhận quyết định sa thải nhưng không được giải thích rõ lý do.
Một doanh nghiệp tuyển lao động dưới 35 tuổi
Nhìn nhận thực trạng này, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện Xã hội học và Khoa học quản lý cho rằng đây là mặt trái đáng lo của việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Theo ông Tri, động thái trên của các doanh nghiệp FDI hoàn toàn dễ hiểu. Bởi lẽ các lao động trên 35 tuổi sức khỏe thường yếu hơn, không được bền bỉ, nhanh nhẹn như trước. Tuy nhiên do họ có thâm niên làm việc lâu hơn nên mức lương cũng như chế độ bảo hiểm xã hội người sử dụng lao động phải trả cao hơn. Điều này có thể đẩy chi phí sản xuất, hạch toán của doanh nghiệp lên cao, ảnh hưởng trực tiếp lợi nhuận.
“Các doanh nghiệp FDI đều ngại việc này. Họ muốn sử dụng lao động trẻ để vừa tận dụng sức lao động vừa không bị ràng buộc quá nhiều.
Xu hướng của các doanh nghiệp FDI cũng như nhiều doanh nghiệp trong nước hiện này là sẽ thay thế dần đội ngũ lao động. Họ sẽ giữ lại một số người lao động lớn tuổi mang tính chất quản lý hoặc cần thiết, trung thành với doanh nghiệp”, ông Tri khẳng định.
Công nhân trên 35 tuổi thất nghiệp để lại nhiều hậu quả đáng lo. Ảnh: NTV
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri cho rằng, việc các doanh nghiệp FDI từ chối sử dụng lao động trên 35 tuổi đã và đang gây nên sự lãng phí nguồn lao động đồng thời làm gia tăng nguy cơ thất nghiệp của người lao động khi ở độ tuổi này.
Ông Tri thừa nhận, những người trên 35 tuổi cơ hội tìm kiếm việc làm mới khi bị buộc cho thôi việc rất thấp. Các doanh nghiệp thường không mặn mà với độ tuổi này. Hơn nữa, nếu muốn quay trở về nhà sản xuất, canh tác cũng khó vì đất đai không còn nhiều, đã bị lấy để làm khu công nghiệp.
“Việc người lao động thất nghiệp đồng nghĩa với việc không đảm bảo được cuộc sống hàng ngày của gia đình. Khi người dân bị đẩy vào thế thất nghiệp “nhàn cư vi bất thiện” sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề khác nữa.
Nó có thể tạo ra những tệ nạn xã hội, mặt yếu kém của xã hội. Cái lo nhất không chỉ ở Việt Nam mà các nước khác đó là giải quyết vấn đề thất nghiệp”, ông Tri cảnh báo.
Khó đòi quyền lợi cho công nhân
Tiếp tục phân tích, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri đề cập đến một nghịch lý xảy ra lâu nay tại Việt Nam trong vấn đề hoạt động của doanh nghiệp FDI nhưng chưa có cách nào giải quyết triệt để, thấu đáo.
Theo vị PGS, nhằm thu hút nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp FDI.
Tuy nhiên các doanh nghiệp trên chỉ đặt mục tiêu thu lợi nhuận, hoàn vốn trong thời gian nhanh nhất nên không thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ với người lao động Việt Nam. Điều này dẫn đến tình trạng một bộ phận công nhân điêu đứng, khó khăn vì đột nhiên bị mất việc.
Về phía Việt Nam, ông Tri thừa nhận, có nhiều trường hợp công nhân ở độ tuổi trên 35 bị các doanh nghiệp đột ngột cho nghỉ việc. Tuy nhiên khả năng đòi quyền lợi của họ vô cùng khó khăn. Các cơ quan nhà nước cũng lúng túng trong xử lý vấn đề này.
Thậm chí có những trường hợp tòa tuyên thắng kiện, buộc doanh nghiệp FDI phải tiếp nhận lại công nhân làm việc và bồi thường thiệt hại nhưng các công ty vẫn trì hoãn và gây khó dễ.
“Điều này cho thấy hệ thống luật pháp của chúng ta còn nhiều hạn chế nên không thể ràng buộc và bắt các doanh nghiệp FDI đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm đối với lao động trong nước theo quy định của pháp luật.
Thực tế nhiều doanh nghiệp vào Việt Nam chủ yếu chiếm đất là chính. Những ngành nghề họ đầu tư không tạo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế của chúng ta mà để lại nhiều vấn đề xã hội phức tạp cần giải quyết”, ông Tri lo ngại.
Để khắc phục tình trạng này và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, ông Tri khẳng định, chúng ta cần phải xem xét, sửa lại các bộ luật lao động cho chặt chẽ, phù hợp để tạo được tính pháp lý, ràng buộc các doanh nghiệp FDI.
Ngoài ra, chính sách về đất đai đối với doanh nghiệp nước ngoài cũng phải nhìn nhận lại, tránh tình trạng để một nhà tư bản hoặc một nhóm lợi ích thuê đất hưởng lợi.
“Chúng ta cũng không nên thu hút FDI bằng mọi giá. Cần phải chọn lọc từ Trung ương đến địa phương. Dự án nào có lợi cho nền kinh tế và người dân thì mới làm.
Gần đây Chính phủ cũng yêu cầu, các dự án phân cấp cho địa phương thu hút FDI phải tính toán đến nhu cầu lợi ích và sự tham gia của nhân dân địa phương.
Theo Hà Hoàng/Báo Đất Việt