Tin tức

Hơn 500.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp

Tám tháng năm 2021, ngành BHXH Việt Nam chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho 511.915 người, trong đó 500.883 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, 11.031 người được hỗ trợ học nghề

Trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể kéo dài và phức tạp, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã thực sự trở thành "điểm tựa", giúp bảo đảm phần nào đời sống của một bộ phận người lao động (NLĐ) mất việc làm. Trong thời gian qua, cơ quan chức năng đang thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm quyền lợi cho NLĐ và doanh nghiệp (DN).

Phát huy hiệu quả của hệ thống BHXH

Tính đến tháng 9-2021, cả nước có 14.844.857 người tham gia BHXH (đạt 29,82% lực lượng lao động). Trong đó, BHXH bắt buộc có 13.662.083 người tham gia, BHXH tự nguyện có 1.182.774 người tham gia và BHYT có 85.243.768 người tham gia (đạt 87,33% dân số tham gia BHYT). Đáng chú ý, có 16 BHXH tỉnh có số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tăng so với cuối năm 2020; 33 BHXH tỉnh có số người tham gia BHXH tự nguyện tăng. Đặc biệt, có 9 tỉnh, thành số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tăng so với năm 2020 là Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình và Thanh Hóa.

Đến thời điểm này, BHXH Việt Nam đã xác nhận danh sách cho 984.189 lao động của 33.098 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ, gồm 613.170 người tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không lương; 124.772 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người; 50.981 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19…

Chi hỗ trợ cho người lao động mất việc do dịch Covid-19 tại xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Ảnh: QUANG LUẬT.

Ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý thu - Sổ thẻ thuộc BHXH Việt Nam, dự báo nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến như hiện nay, ước số lao động năm 2021 giảm khoảng 2,8 triệu người; chấm dứt HĐLĐ hơn 800.000; tạm hoãn 326.000, nghỉ việc không lương 1,4 triệu người và ngừng việc khoảng 314.000 người.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều DN lao đao, tỉ lệ NLĐ thất nghiệp gia tăng có thể thấy rõ tác động của dịch bệnh đến thị trường lao động. Vì vậy, chính sách BHXH và BHTN đã phát huy hiệu quả trong việc bảo đảm an sinh xã hội, giúp NLĐ ổn định cuộc sống. Ngoài ra, chính sách BHTN cũng giúp NLĐ có cơ hội được hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, từ đó tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp mới chất lượng hơn cho bản thân. Riêng trong tháng 8-2021, BHXH các địa phương đã phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 61.914 người hưởng BHTN, trong đó có 61.215 người hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), 699 người hưởng chế độ học nghề. Tính chung 8 tháng năm 2021, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và chi trả BHTN cho 511.915 người hưởng mới, trong đó 500.883 người hưởng TCTN; 11.031 người được hỗ trợ học nghề.

Tạo thuận lợi cho người lao động

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, BHTN là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi bị mất việc làm, hỗ trợ NLĐ học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào quỹ BHTN. Nguồn quỹ này do NLĐ đóng bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ đang tham gia BHTN; ngoài ra, nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những NLĐ đang tham gia BHTN và do ngân sách trung ương bảo đảm. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số kết dư quỹ BHTN chuyển sang năm 2021 hơn 89.100 tỉ đồng.

Ông Đào Duy Hiện, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH thuộc BHXH Việt Nam, cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19, để tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ thất nghiệp thụ hưởng các chế độ BHTN, Chính phủ đã cho phép NLĐ được gửi hồ sơ đề nghị hưởng TCTN qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng được thực hiện dưới hình thức gián tiếp (gửi thư điện tử, fax, đường bưu điện...) trong thời gian từ ngày 1-4-2020 đến khi công bố hết dịch mà không phải xin xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về việc xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. Theo quy định, một trong các điều kiện hưởng TCTN là NLĐ đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc. Các trường hợp này phải có các điều kiện là đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm NLĐ chấm dứt HĐLĐ. Mức hỗ trợ theo quy định là 3,71 triệu đồng/người. Trường hợp NLĐ đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; NLĐ đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em. Với NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng sẽ không được hưởng TCTN. 

Tăng diện bao phủ BHTN

Theo số liệu của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đến hết ngày 16-8, có 1.300.304 NLĐ phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn HĐLĐ. Có 1.013 DN với 84.034 NLĐ vừa cách ly/phong tỏa vừa sản xuất... Trước đó, năm 2020, hơn 1,1 triệu lao động nộp hồ sơ hưởng TCTN, tăng 32% so với năm 2019, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch; 43% lao động nộp hồ sơ hưởng TCTN đến từ Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Từ đầu năm 2021 đến nay, khoảng 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... Nhiều người trong số này cần đến sự hỗ trợ của chính sách BHTN.

 

(Nguồn: Báo Người lao động)