Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Kiên Giang, chỉ tính riêng trong quý IV năm 2021, toàn tỉnh có 5.387 lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, 3.798 người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp là 55.074.929.825 đồng.
Phần lớn người lao động đến đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp có độ tuổi từ 25 - 40 tuổi với nguyên nhân nghỉ việc là do hết hạn hợp đồng, hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Trong đó, chủ yếu là lao động phổ thông, lao động giản đơn chiếm hơn 90% tổng số lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tập trung vào các nhóm ngành như: May - Giày da - Dệt, Xây dựng – Kiến trúc – Gỗ - Trang trí nội thất.
Người lao động đăng ký trợ cấp thất nghiệp.
Theo ông Nguyễn Phi Hùng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Kiên Giang, phân tích số liệu trên có thể đánh giá: "chỉ tính riêng trong quý IV năm 2021, tỷ lệ lao động đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng lên 230% so với cùng kỳ năm 2020 (Quý IV năm 2020 toàn tỉnh có 2.334 lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp). Có thể thấy rằng sau thời gian dài chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, các công ty, doanh nghiệp đã gặp phải rất nhiều khó khăn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Để đảm bảo an toàn cho nhân viên khi tiếp nhận, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Kiên Giang đã áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch như: đo thân nhiệt cho nhân viên, người lao động của Trung tâm và người dân đến liên hệ công việc, thực hiện quét mã QR, khai báo y tế, khẩu trang, kính chống giọt bắn, khử khuẩn, giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người lao động, …Bên cạnh đó, tại Trung tâm, các văn phòng đại diện, văn phòng ủy thác đều bố trí, sắp xếp ghế chờ cho người lao động đảm bảo khoảng cách, thoáng mát và cử 01 – 02 cán bộ tiếp nhận, trả kết quả lần lượt cho người lao động, không để người lao động tiếp xúc trực tiếp với cán bộ giải quyết chính sách ở bên trong.
Mặc dù hiện nay các cấp chính quyền đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thích ứng an toàn linh hoạt với dịch, trong đó đặc biệt là kế hoạch triển khai tiêm vắc-xin mũi tăng cường cho người dân. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp (xuất hiện một số biến chủng mới) như hiện nay, rất có thể tháng đầu năm 2022, số lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ có nhiều biến động.
Về tình hình thị trường lao động trong thời gian gần đây, lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Kiên Giang cho biết thêm, các thị trường lao động ngoài nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan vẫn tiếp tục tuyển dụng lao động các ngành nghề như: cơ khí, xây dựng, thực phẩm, đóng gói… Đối với tình hình tuyển dụng lao động trong tỉnh, hiện tại các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 17.000 vị trí việc làm mới, với mức lương khởi điểm từ 6 triệu đồng/tháng trở lên, tập trung một số ngành nghề như: Giày da, chế biến thủy sản, giao hàng…
Thông qua các kênh thu thập thông tin về thị trường lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm Kiên Giang cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động và nhu cầu tìm kiếm việc làm có tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Công tác phòng dịch Covid-19 tại Trung tâm DVVL Kiên Giang
“Hiện nay, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vẫn hoạt động bình thường, các công ty giày, chế biến thủy sản tiếp tục có nhiều đơn hàng, nhu cầu tuyển dụng cũng khá nhiều. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khá phức tạp sẽ tác động rất lớn đến thị trường lao động của tỉnh”.
Nói về đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới, ông Hùng cho biết thêm “các địa phương nói chung, Kiên Giang nói riêng rất cần những văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp một cách kịp thời, phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh để tạo sự thống nhất trong thực hiện. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm nguồn kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, tuần lễ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và tăng thêm chi phí thuê mướn trụ sở làm việc của các văn phòng đại diện cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương”.